Sau hợp nhất, thợ đào Ethereum đặt kỳ vọng vào ETHW nhưng giá token này liên tục giảm, khiến họ phải tắt điện, đóng gói card đồ họa.
Ngày 15/9, sự kiện The Merge chính thức diễn ra, chuyển mạng lưới từ phương thức xác thực PoW (bằng chứng công việc) sang PoS (bằng chứng cổ phần). Việc này đánh dấu là sự chấm hết cho thợ đào Ethereum, vì các hệ thống máy đào hiện nay chủ yếu sử dụng cơ chế PoW để hoạt động.
Trước đó, từ ngày 28/7, một thợ đào ở Trung Quốc có tên Chandler Guo đã đề xuất một đợt hard fork (phân nhánh) Ethereum thành hai mạng. Ngoài mạng mới với cơ chế PoS, họ muốn tách một mạng Ethereum khác vẫn theo mô hình PoW, gọi là Ethereum PoW (ETHW) để tiếp tục việc khai thác. Sau đó, một số sàn giao dịch nhỏ bắt đầu niêm yết ETHW với giá có lúc lên đến 140 USD.
Đợt hard fork đã được tiến hành ngay trong vòng 24 giờ kể từ khi The Merge kết thúc. Đây được xem là phao cứu sinh của thợ đào do việc chuyển sang khai thác những đồng tiền số khác gần như không có lời. Niềm tin của thợ đào tiếp tục được củng cố khi hàng loạt sàn giao dịch thông báo sẵn sàng niêm yết token ETHW.
Hard fork không cứu được thợ đào
Ngay sau The Merge, giá ETHW tăng vọt lên 51,35 USD, dù sau đó rơi về vùng 30 USD. Nhiều thợ đào nhanh chóng chuyển sang khai thác ETHW với hy vọng có thể tiếp tục duy trì dàn máy đào sẵn có, tránh tình trạng đắp chiếu, phủ bụi.
ETHW cũng được mainet (khởi chạy mạng chính thức) nhưng gặp sự cố khi có cùng ChainID với một dự án khác mang tên Smart Bitcoin Cash. Đội ngũ phát hành ETHW nhanh chóng nhận ra vấn đề và sửa lại ChainID, nhưng nhiều nhà làm dự án cho biết họ không thể kết nối đến mạng Ethereum mới do lỗi trùng lặp này.
Đến ngày 18/9, một cuộc tấn công phát lại (erplay attack) nhắm vào ETHW khiến giá token này lập tức lao dốc. Đây là hình thức tấn công an ninh mạng bằng cách lặp lại việc truyền tải một dữ liệu hợp lệ.
Theo BlockSec, vụ tấn công nhắm vào cầu nối Omni Bridge trên ETH PoW. Hacker đã chuyển 200 WETH (một token trên mang Ethereum) thông qua Omni Bridge trên chuỗi Gnosis và lặp lại điều tương tự trên ETH PoW. Ngay lập tức, giá ETHW sụt mạnh còn 6,8 USD tính đến chiều 20/9.
Các thợ đào cho biết với giá này, ETHW không khác gì “coin rác”, việc khai thác không những không có lời mà còn lỗ tiền điện. Một thợ đào tại Việt Nam ước tính, với tiền điện trung bình hiện tại là 2.500 VND mỗi số, trung bình dàn trâu của anh chỉ đào được 0,5 ETHW mỗi ngày, tương đương 3 USD giá trị quy đổi. “Giờ đào ETHW là chỉ có lỗ nhiều hơn chứ không thể lời”, người này nói.
Nhiều thợ đào suy sụp, từ bỏ hoàn toàn chiếc phao cứu sinh cuối cùng, tìm đến phương án cuối cùng là bỏ nghề.
‘Trâu gác bếp’
“Trâu gác bếp” là từ khóa được giới đào coin đề cập nhiều những ngày qua, chỉ những dàn card đồ họa khai thác tiền mã hóa phải rút điện, không thể hoạt động do lỗ vốn. Trên các hội nhóm đào tiền số, những bài viết hướng dẫn cách đóng gói, bảo quản máy xuất hiện dày đặc.
“Đồ điện tử không dùng sẽ bị hỏng. Vài ngày trước thợ đào còn rủ nhau khai thác những token như Ethereum Classic (ETC), Ravencoin (RVN), Ergo (ERG) để duy trì dàn máy. Nhưng khi tất cả thợ đào cùng chuyển qua, độ khó tăng lên, việc đào không thể có lời, buộc tính đến phương án cuối là ngắt điện”, ông Toàn, chủ một xưởng đào lớn ở Đồng Nai, nói.
Ông cho biết card đồ họa sau khi ngắt điện cần được vệ sinh, bảo quản hợp lý, nếu không sẽ rất nhanh bị hỏng. Một số người có kinh nghiệm thậm chí mở dịch vụ vệ sinh, đóng thùng nhưng giá cao.
Theo Hoàng Tân, một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực khai thác tiền số, lựa chọn tốt nhất cho thợ đào lúc này là giữ lại card, bảo quản và chờ 1-2 năm. Sau khi đợt “xả card” đã giảm, có thể đem ra bán hoặc chờ đến mùa sau tìm kiếm cơ hội mới.
Ông Tân cho biết việc bảo quản linh kiện điện tử nói chung chắc chắn có rủi ro, nhưng nếu làm đúng cách có thể giảm thiểu nguy cơ. Cách phổ biến nhất là tắt nguồn, tháo linh kiện, vệ sinh sạch sẽ, tra keo, cho vào túi hút chân không. Cuối cùng đóng vào thùng kín, để ở những nơi khô ráo, duy trì nhiệt độ 25-28 độ. Khi lắp lại nguồn, thợ đào cần chú ý nguồn điện phải ổn định, hạn chế sốc điện làm cháy trâu cày. Sau thời gian đóng hộp, một số chân linh kiện có thể bị rỉ sét, cần kiểm tra kỹ trước khi lắp ráp, tránh bị chập bản mạch, cháy nguồn.
Ngọc Can, quản trị viên một nhóm khai thác tiền số lớn, cho biết: “Phần lớn thợ đào tại Việt Nam đã quyết định tháo trâu đem cất vì không gánh nổi tiền điện. Card đồ họa cũng không thể thanh lý vì giá quá rẻ. Không ít người vẫn đang cố gắng chờ ETHW được những sàn lớn như Binance niêm yết với hy vọng giá sẽ tăng”.
Tuy nhiên, theo ông, cho dù lên được các sàn lớn, giá ETHW cũng sẽ khó bền vững. Token này có thể bị đầu cơ kiếm lợi hơn là khai thác ổn định như đồng Ethereum trước đây.
“Bản chất ETHW được tạo ra bởi một thợ đào Trung Quốc. Vẫn có quá nhiều rủi ro, lựa chọn an toàn nhất cho mọi người trong lúc này là cắt lỗ, chờ thời. Không nên mù quáng lao vào những lời hứa siêu lợi nhuận như một canh bạc”, ông Can nói.